Đầu năm nay đi viếng chùa, tự dưng lại nhớ đến Tết năm ngoái, tôi với nhỏ bạn cùng đi chùa mùng 1 và hữu duyên được nghe sư ông giảng pháp đầu năm. Tôi vẫn nhớ như in là buổi đó sư ông giảng về hạnh nhẫn nhục, đã làm tôi mãi suy nghĩ và trăn trở.
Sư ông giảng là chúng ta nên thực hành hạnh nhẫn nhục khi có ai đó nói và làm điều xấu, điều ác với ta, làm được điều đó tâm ta sẽ an yên. Lúc đó tôi không hiểu vì sao ta phải nhẫn khi người ta làm điều xấu với mình, liệu đó có phải là nhu nhược không? Rồi tôi cũng đặt ra tình huống. Giả sử bản thân ta rơi tình huống bị người khác nói xấu, đặt điều hay thậm chí làm hại ta thì ta sẽ phản ứng lại như thế nào? Sẽ im lặng bỏ qua hay sẽ phản kháng? Và rồi ngay cả khi ta nhẫn nhịn, cam chịu trước những điều bất như ý thì liệu tâm ta có an yên? Hay ta nhẫn nhịn bởi vì đơn thuần chúng ta không có sức phản kháng, để cho yên thân, vì cố giữ hòa khí, vì lợi lạc bản thân,…?
Thế là tôi vừa có chút không đồng tình với sư ông nhưng đâu đó bản thân cũng thầm nghĩ chắc là do mình chưa hiểu rõ về “hạnh nhẫn nhục”. Tôi có hỏi nhỏ bạn đi cùng nhưng cả hai vẫn rơi vào trạng thái trầm tư và không tìm được câu trả lời.
Nhưng rồi trong suốt năm vừa rồi, nhờ kết nối được những duyên lành, tôi cũng phần nào hiểu được thế nào là hạnh nhẫn nhục. Tôi biết được rằng có hai loại nhẫn: an nhẫn và khổ nhẫn. Cái chúng ta thường hiểu về hạnh nhẫn nhục là khổ nhẫn, tức là dù ta có cố gắng nhẫn nhịn, cam chịu trước những điều bất như ý thì trong ta vẫn luôn bám chấp vào những điều đó, vẫn còn sân hận, oán trách.
Trái lại, theo giáo lý nhà Phật, hạnh nhẫn nhục tức là luôn giữ tâm mình bình thản trước những nghịch cảnh, không giữ ý niệm sân hận, oán trách. Đó là cái nhìn trí tuệ, không chấp kiến vào “những thứ không thuộc về mình”, tha thứ với những người làm ta đau khổ, đó chính là an nhẫn.
Khi thực hành hạnh nhẫn nhục chúng ta sẽ không phải vướng mắc vào tham-sân-si. Quay trở lại tình huống đã đặt ra từ đầu, thay vì chúng ta buồn bã, suy nghĩ tiêu cực hay thậm chí là nổi cơn sân hận thì ta có thể chọn bình thản trước nó; suy cho cùng những thứ bên ngoài cũng chỉ là hữu hạn, bám chấp vào đúng-sai, thắng-thua chỉ làm ta thêm phiền não.
Đối với những vấn đề có thể giải quyết, lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, không cực đoan có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhanh chóng mà không gây ra khó chịu, đau khổ. Với những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, rõ ràng là sân giận cũng chẳng giải quyết được gì. Thế tại sao ta phải nóng giận?
Thêm nữa, nếu ta thực hành hạnh nhẫn nhục, ta sẽ nhìn sự việc với góc nhìn khác. Trước những lời chê bai, ta sẽ nhìn nhận lại bản thân ta có những khuyết điểm gì, để từ đó cải thiện theo hướng tốt hơn. Đó là chính là chìa khóa để giúp ta ngày càng phát triển.
Y khoa hiện đại đã chứng minh được rằng những cảm xúc tiêu cực có thể sản sinh ra các hormon có hại cho cơ thể, lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Ví dụ khi ta tức giận, cơ thể sẽ sản sinh ra catecholamin, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương sẽ làm cho đường huyết trong cơ thể tăng cao, gây hại cho tim mạch và gan (theo bài viết của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Ngoài ra, có rất nhiều bài nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất. (Bạn có thể tìm kiếm và tham khảo những bài nghiên cứu khoa học trên https://scholar.google.com/ với từ khóa “mental and physical health”).
Ngẫm lại, lời sư ông đã giảng không hề sai. Thực hành hạnh nhẫn nhục ( tức an nhẫn) – không bám chấp, không sân hận, ghen ghét, thù hận, oán trách sẽ mang tới cho ta rất nhiều lợi lạc cả về tâm lẫn thân.
Nhưng làm thế nào để thực hành hạnh nhẫn nhục, tôi nghĩ chìa khóa chính là tình yêu thương và sự sáng suốt. Ta nên nhìn đời bằng con mắt thương để có thể nhìn thấy những điều tốt đẹp ẩn hiện trong mọi người, để từ đó mở lòng yêu thương nhau hơn. Ta nên nhìn vào sự việc, sự vật với tâm trí sáng suốt để thấy đâu là những giá trị thực, để không bám chấp vào bản ngã.
Nhẫn – là trí tuệ, không phải hèn nhát; là từ bi, không phải thấp kém; là hỷ xả, không phải toan tính.
Hiểu là vậy, nhưng để làm được thì rất khó. Vốn là một người nóng tính và thẳng thắn nên việc nhẫn trước những điều bất như ý rất khó khăn với tôi. Nhưng khi nhìn lại một năm vừa qua, tôi hãnh diện khi bản thân đã dần buông bỏ sân giận. Suy cho cùng, thay đổi là cả một quá trình vậy nên tôi sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Chúc bạn một ngày an yên!